MENTOR “KHÓ CHỊU” DO “CÓ TÂM”

MENTOR “KHÓ CHỊU” DO “CÓ TÂM”

Nhân không có dịp gì, Quân được một trong những Mentor “khó chịu” của mình – TS. Phan Ngọc Tâm – mời ăn trưa một ngày gần cuối năm 2020. Đó cũng là dịp để Quân nhớ lại những ngày chập chững với nghề luật của 7 năm về trước. Nhìn lại chặng đường đã qua, Quân muốn chia sẻ một số trải nghiệm và cảm xúc nhất định của mình, hy vọng có ích cho các bạn trẻ.

Cuộc sống là dòng chảy và dòng chảy có nguồn

Chúng ta vẫn luôn ý thức được thời gian đang trôi qua bằng việc thức dậy và đi làm mỗi ngày. Nhịp điệu đó khi như bản jazz du dương khi như bản ballad buồn và lắm khi như một bản rock nhiều năng lượng. Nương nhờ vào giai điệu của cuộc sống, những khoảnh khắc trở thành những cột mốc và kỷ niệm. Đôi khi chúng ta quên và có khi nhớ lại. Và quy luật của cuộc sống là hãy luôn hướng về “nguồn chảy” của bạn. Trong khía cạnh công việc, đó có thể là việc bạn coi trọng, biết ơn những người Anh, người Chị đi trước đã từng hỗ trợ, giúp đỡ công việc của bạn. Đó không hẳn là những điều ngọt ngào, êm ái, và hãy tâm niệm “có hề gì” đối với phần còn lại.

Một điều khiến mình nhận thức được việc mình chín chắn và trưởng thành hơn trong công việc là nhớ về khoảng thời gian “làm ca đêm” và “ăn lẩu Ý-kiến” với TS. Tâm. Điều đó giúp mình nhận thức tâm thế đối với nghề luật. Dĩ nhiên với tâm niệm “có hề gì”, mình đã chủ động học được nhiều điều hay ho từ tính cẩn thận cho đến tính cầu toàn trong sản phẩm công việc. Điều này dần dần trở thành tính cách trong công việc sau này. Hồi đó, mình rất hay mắc lỗi chính tả về dấu hỏi và ngã, nào là “hổ trợ”, “chia sẽ”, … Điểm mình trân trọng không phải là việc phát hiện và sửa mà chính là việc nhận thức được tính quan trọng của việc mình đang làm, nhận thức cái sai của mình. Vì khi nhận thức được, những thói quen vô thức sẽ trở thành hành động có ý thức. Hiện tại, mình vẫn luôn cố gắng truyền đạt được điều này cho một số Mentee của mình.

Phải rõ ràng là có khi bạn hài lòng, có khi không; có khi bạn đồng tình và ngược lại với Mentor. Một khi mối quan hệ với Mentor trở nên tốt đẹp thì cũng có nghĩa nó có thể nó xấu đi. Nhưng với mình, dù dòng chảy rẽ đi nhiều nhánh, nguồn chảy vẫn có rất nhiều ý nghĩa. Vì vậy, dẫu mối quan hệ với Mentor khi tốt khi xấu, mình luôn coi trọng và hướng về nguồn.            

Mentor là người bạn công nhận, có thể họ không thừa nhận

Nếu hỏi mình có bao nhiêu Mentor? Mình trả lời là nhiều, nhưng không phải ai trong số đó cũng biết hay thừa nhận là Mentor của mình, vì mình không đặt nặng việc xác lập mối quan hệ đó mà họ cũng nghĩ vai trò đó hơi to tát. Mình tâm niệm người mình có cơ hội được làm việc cùng và mình học được từ họ, mình công nhận họ là Mentor của mình. Khi đó, mình thường chủ động theo dõi họ, hỏi ý kiến hoặc tạo sự kết nối để tiếp tục học hỏi từ họ. Lần gần đây khi ăn trưa với LS. Nguyễn Hữu Nhị, LS Nhị nói mình “hồi đó Anh có làm gì đâu mà em coi Anh là Mentor ghê vậy”. Thực ra, trải nghiệm của Anh, Chị đi trước rất quý giá với mình. Khi mình xin tài liệu để tham khảo, học hỏi, LS Nhị đã chia sẻ cho mình rất nhiều. Từ đó, mình có nguồn để tự học, nghiên cứu cho công việc.    

Vậy bạn cần gì ở người bạn xem là Mentor?

Với mình, mình luôn tâm niệm mỗi người sếp trong công việc là Mentor của mình. Điều này giúp mình thoải mái trong mối quan hệ công việc cũng như học hỏi từ sếp của mình. Và cũng may mắn, những gì mình cần ở Mentor cũng là những tố chất sẵn có của một người sếp. Đó là sự “khó chịu” với những gì mình làm sai, những gì mình làm chưa tốt; là sự “kiên nhẫn” để mình hoàn thiện sản phẩm cuối cùng; là sự “dìu dắt” để mình tốt hơn, giỏi hơn và cũng là sự “định hướng” giúp mình giải quyết vấn đề.

Sau tất cả, mình luôn trân trọng, cảm ơn đến tất cả những người sếp của mình. Và luôn tin rằng, một Mentor “khó chịu” là do “có tâm”. Hãy tâm niệm “có hề gì” và chủ động học hỏi từ họ.

Go To Top