TỔNG KẾT FREE MENTORSHIP #1

TỔNG KẾT FREE MENTORSHIP #1

Dưới đây là tổng hợp một số chia sẻ của các Anh Chị có thể hữu ích cho các bạn có quan tâm đến các vấn đề liên quan đến học luật, hành nghề luật.

1. Để gia tăng cơ hội về việc làm khi ra trường, sinh viên nên:

(i) nắm vững các kiến thức cơ bản về pháp lý, ví dụ như hiểu được hệ thống văn bản pháp luật, phân biệt được văn bản quy phạm pháp luật và văn bản áp dụng pháp luật, tra cứu văn bản, xác định đúng luật, quy phạm pháp luật áp dụng và phân tích được quy định đó;

(ii) trau dồi các kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, làm việc với cơ quan nhà nước;

(iii) rèn giũa tính cẩn thận;

(iv) rèn luyện kỹ năng research, phân tích.

(v) thành thạo kỹ năng office (Word – thuần thục; Excel và Powerpoint có thể ở mức cơ bản). Đối với word, các bạn cần nắm rõ các kỹ năng nâng cao như trackchange, compare, tạo table of content, cross-reference, headings, …

(vi) chuẩn bị tiếng anh tốt; nếu giỏi cả 4 kỹ năng thì quá tốt, còn không, hãy cố gắng thành thạo trong kỹ năng đọc và viết. Bạn sẽ được yêu cầu đọc tài liệu bằng tiếng Anh, viết các thư tư vấn, phân tích pháp lý bằng tiếng Anh trong công việc. Ngoài ra, bạn sẽ được yêu cầu dịch các tài liệu từ Anh sang Việt và ngược lạị.

2. Những yếu tố cần thiết khi bắt đầu làm ở một Công ty Luật là gì?

Với 1 fresher, có một số yếu tố cần thiết để làm việc tốt ở 1 law firm:
(i) Tinh thần và khả năng tự học hỏi: Cường độ và tốc độ công việc ở law firm khá khắc nghiệt, vì vậy để có một người cầm tay chỉ việc cho em sẽ là không có. Em sẽ cần tối đa khả năng tự học hỏi của mình, từ quan sát, từ rút kinh nghiệm những feedback của supervisor;
(ii) Sẵn sàng chịu áp lực từ khối lượng công việc lớn: chắc mọi người đều hiểu áp lực công việc của law firm là thế nào. Hãy chuẩn bị trước tinh thần làm việc overtime, over the weekend or even over-night;
(iii) tư duy phản biện: nôm na là tư duy từ cả 2 phía, hay còn gọi là critical thinking. Không nhìn từ một phía để đánh giá 1 vấn đề; và  
(iv) Tiếng anh ở mức khá, nếu làm việc ở law firm lớn.

3. Những điều nên và không nên làm khi nhận và xử lý công việc từ cấp trên:

Đối với công việc từ cấp trên, việc đầu tiên bạn cần thể hiện là thái độ cầu thị và nghiêm túc khi nhận yêu cầu công việc. Khi bạn nghe qua không rõ hoặc chưa hiểu vấn đề nào, nếu cấp trên đang có thời gian rảnh, bạn có thể trao đổi trực tiếp. Nếu công việc đang gấp, bạn có thể nghiên cứu trước và vạch ra những câu hỏi cần trao đổi với cấp trên để hoàn thành công việc. Tất nhiên với mỗi người cấp trên có cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau, và tư duy của bạn rất quan trọng, nhưng thái độ cầu thị và ham học hỏi thường sẽ là thang đánh giá của cấp trên đối với những bạn vừa ra trường đi làm. Mặt khác, em có thể trực tiếp hỏi xin thêm việc để được tham gia vào nhiều công việc khác nhau (tất nhiên là vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến deadlines những công việc khác). 

Liên quan đến deadline, bạn nên hỏi rõ về timeline. Bạn cần biết rõ khi nào cần báo cáo kết quả và liệu timeline đó có khả thi với bạn không. Nếu không, bạn cần nói rõ với cấp trên để xem xét dời deadline. Tuyệt đối không được nhận khi biết mình không thể hoàn thành đúng deadline, điều này sẽ gây khó khăn cho cấp trên và có thể làm lỡ việc với khách hàng. Nếu giữa chừng bạn cảm thấy không thể đúng hạn, bạn cần thảo luận lại với cấp trên để có hướng xử lý. Không nên im lặng rồi sau đó trễ deadline.

4. Trong quá trình hành nghề luật bắt đầu từ vị trí paralegal đến khi thành associate, anh chị đã gặp những khó khăn nào?

Trong giai đoạn đầu khi đi từ fresh graduate đến khi trở thành mid level, ai cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn và mỗi môi trường công ty có những khó khăn đặc thù nhất định. Tuy nhiên, bạn hãy hiểu rằng mỗi khó khăn như vậy là một bài học để bạn phát triển bản thân mình. Có một thực tế là kinh nghiệm và kỹ năng tích lũy được sau mỗi lần gặp sai lầm và sửa chữa sẽ nhiều hơn là áp dụng một công thức duy nhất để làm cho xong việc. 

Một điều nữa mình muốn chia sẻ là mới đi làm và trong giai đoạn học hỏi kinh nghiệm trong nghề luật thì tuyệt đối không ngại việc và không ngại rắc rối. Hãy nghĩ rằng nghề luật sư chính là mua rắc rối của khách hàng vào mình để giải quyết, nên bản thân bạn cần giữ thái độ bình tĩnh với các rắc rối và luôn tin rằng sẽ có cách giải quyết cho mọi vấn đề.

Mỗi người có mỗi trải nghiệm khác nhau, tuy nhiên đối với nghề luật sư, theo mình, kim chỉ nam là “Tư duy và giải pháp”. Tư duy là thứ em sẽ cần để nhìn nhận và xác định vấn đề, đồng thời luôn cố gắng tìm ra giải pháp cho khách hàng, đừng chỉ đưa văn bản pháp luật mà không có bất kỳ một kết luận hay giải pháp nào. Thứ khách hàng nhìn vào hầu như chỉ là câu kết luận và giải pháp mà em cung cấp cho họ. 

5. Những câu hỏi về du học và nghề luật.

Vui lòng theo dõi những chia sẻ của anh Trương Hữu Ngữ tại link:

CHÂN THÀNH CẢM ƠN TẤT CẢ CÁC ANH, CHỊ ĐI TRƯỚC ĐÃ DÀNH THỜI GIAN CÙNG CHIA SẺ NHỮNG TRẢI NGHIỆM, KINH NGHIỆM HỮU ÍCH CHO CÁC BẠN.

Go To Top